Bảo tồn Trâu ngố

Chính sách

Huyện Lục Yên đã triển khai Đề án tuyển chọn từ 400 con trâu nái trở lên là những con to, khỏe, bảo đảm các yếu tố sinh sản tốt để tạo hạt nhân về con giống. Sau khi đã tuyển chọn, huyện phối hợp với Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Yên Bái để có nguồn nghé giống chất lượng cao sau này[1]. Chính quyền đã điều tra lại số lượng trâu đực giống trên tổng đàn trâu nái để cân đối về số con đực giống, hỗ trợ tiền cho những hộ nuôi trâu đực giống to khỏe, khuyến khích người dân duy trì chăn thả trâu đực giống cùng bầy đàn trên các khu chăn thả tự nhiên; khôi phục lại hội chọi trâu để khuyến khích nhân dân nuôi dưỡng những con trâu giống to khỏe nhất[4].

Tỉnh Tuyên Quang thì có chương trình chọn lọc, nhân thuần giống trâu tốt địa phương tại Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên, bố trí hợp lý nơi chăn thả, kết hợp trồng cây thức ăn xanh thô để phát triển đàn trâu. Tỉnh cũng đã xây dựng cơ chế hỗ trợ tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu đực giống tốt có khối lượng từ 450 kg/con trở lên để phục vụ nhân giống, bảo tồn nguồn gen, hỗ trợ thức ăn tinh cho đàn trâu cái có chửa trong mô hình để đảm bảo duy trì thể trạng và nuôi thai[6]

Huyện Chiêm Hóa đã tập trung thực hiện chương trình, dự án: “Xây dựng mô hình bình tuyển, chọn lọc, nhân thuần giống trâu ngố”, “Nuôi vỗ béo trâu, bò bằng hình thức nhốt chuồng”... Thông qua các chương trình, dự án này, thể trọng và số lượng đàn trâu trong toàn huyện được nâng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều gia đình. Dự án đã tổ chức bình tuyển toàn bộ đàn trâu, chọn lọc trên địa bàn xã được 47 con trâu giống đực và cái, mua thêm 14 con trâu giống đực và 60 trâu cái sinh sản đủ tiêu chuẩn từ cấp I trở lên (theo tiêu chuẩn chọn giống và nhân giống trâu của Viện Chăn nuôi trâu năm 1977)[8].

Lễ hội

Hai con trâu ngố đang húc nhau

Hội chọi trâu Lục Yên Yên Bái với mục đích của lễ hội này là khôi phục một lễ hội từ xa xưa ở một vùng quê có nghề canh nông rất phát triển và nuôi được giống trâu ngố. Những con trâu chọi ở Lục Yên sẽ là trâu giống tốt để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý, việc bảo tồn nguồn gen quý của giống trâu này vừa cung cấp sức kéo cho sản xuất vừa chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Những con trâu đực chọi xong không mổ như những sới chọi khác mà để chọi tiếp ở các sới khác hoặc nuôi để chọi trong những mùa hội tiếp theo nên số trâu chọi này sẽ là những con giống chất lượng. Hội chọi trâu này đã thu hút hàng vạn người đến dự và khi trở về đã có rất nhiều người muốn nuôi trâu chọi[4].

Lễ hội chọi trâu huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang được tổ chức hàng năm vào dịp đầu Xuân, với mục đích khôi phục lại lễ hội dân gian, bảo tồn và phát triển giống trâu ngố của địa phương, phục vụ sản xuất và thu hút khách du lịch[9]. Lễ hội chọi trâu Hàm Yên diễn ra vào ngày 10 và 11 tháng Giêng hàng năm với mục đích khôi phục lại lễ hội dân gian, bảo tồn và phát triển giống trâu ngố của địa phương, thu hút hàng vạn người dân trong huyện cùng du khách thập phương tới xem và cổ vũ[10][11].

Kết quả

Năm 2013, tổng đàn trâu ở Lục Yên đạt trên 17.800 con, tăng 2,5% so với năm trước. năm 2011, tổng đàn trâu của huyện Lục Yên có khoảng 21 ngàn con (chiếm gần 1/3 tổng đàn trâu toàn tỉnh). Số trâu đực từ 4 đến 5 tuổi trở lên trước đây khan hiếm thì nay đã tăng dần[4]. Thể trạng của số trâu đực tham dự hội chọi trâu cũng to và đều hơn những lần trước. người dân chú trọng bảo tồn những con trâu giống bố mẹ tốt không thuần túy là để tìm ra những con trâu chọi mà bởi họ nhận thấy việc nuôi trâu ở khắp nơi đang giảm dần nên giá trâu ngày càng đắt.

Nhận thức về chăn nuôi trâu đã thay đổi khi người dân không còn quá lệ thuộc vào nguồn cỏ tự nhiên mà họ đã biết tận dụng đất bờ bãi trồng cỏ, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, rơm rạ bổ sung thức ăn chăn nuôi. Trâu trưởng thành có giá trên 50 triệu đồng và một con trâu cái to cũng có giá trên dưới 40 triệu đồng, nhiều hộ dân đang nuôi những con trâu đực từ 2 đến 3 tuổi và chỉ 1, 2 năm sau bán được giá nhưng nhiều hộ đã giữ lại để nuôi thành trâu chọi hoặc không nuôi chọi thì đến tầm trâu 7, 8 tuổi càng có giá, ở Lục Yên đã có một vài con được mua trên 80 triệu đồng[1].

Mô hình ở Tuyên Quang cũng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tầm vóc, khối lượng, khả năng sinh trưởng và kháng bệnh của đàn trâu, giúp nông dân nhận thức được vai trò của công tác giống, nâng cao chất lượng trâu giống, trâu thịt, giúp địa phương luân chuyển trâu được giống trong vùng, tránh hiện tượng đồng huyết trong thời gian dài làm thoái hóa nguồn giống quý của địa phương. Hình thức chăn nuôi trâu có sự quản lý đã được áp dụng dần xóa bỏ được tình trạng thả rông gia súc, gây thiệt hại về phát triển cây nông nghiệp khác, tránh làm lây lan dịch bệnh[6].

Đến nay, đàn trâu của xã Hòa Phú có hơn 1.126 con, phần lớn là giống trâu ngố. Dự án đã giúp nhân dân trong xã biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăn nuôi trâu nên cho hiệu quả kinh tế cao. Gia đình bà Ma Thị Tình, thôn Lăng Cuồng hiện nuôi năm con trâu ngố, mỗi năm thu hơn 10 triệu đồng tiền bán trâu giống và trâu thịt. Ở Hòa Phú còn rất nhiều gia đình chăn nuôi trâu đạt hiệu quả kinh tế cao như gia đình ông Hoàng Tước, thôn Đồng Mo nuôi ba con trâu ngố, đàn trâu của xã đã nâng lên 2.150 con, chủ yếu là giống trâu ngố, trâu mộng[8].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trâu ngố http://channuoivietnam.com/nang-cao-gia-tri-thuong... http://www.anninhthudo.vn/xa-hoi/tuyen-quang-chen-... http://baotintuc.vn/van-hoa/hoi-choi-trau-ham-yen-... http://baoyenbai.com.vn/12/107852/Bao_ton_ben_vung... http://www.baoyenbai.com.vn/12/50983/Nam_Suu_den_d... http://www.baoyenbai.com.vn/12/80767/Phuc_hoi_gion... http://www.mard.gov.vn/pages/news_detail.aspx?News... http://www.yenbai.gov.vn/vi/tinh/dlcn/Pages/chitie... http://nongnghiep.vn/tuyen-quang-bao-ton-dan-trau-... http://www.hamyen.org.vn/print.asp?id=5398